Trong thị trường chứng khoán, nếu tính thanh khoản của cả thị trường sụt giảm, nhiều nhà đầu tư nghi ngại sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và có thể dẫn đến suy thoái.
Đối với cổ phiếu riêng lẻ, những cổ phiếu có tính thanh khoản ít hay không có thanh khoản thì sẽ chịu rủi ro thanh khoản nên cũng sẽ có giá thấp hơn so với những cổ phiếu tương tự nhưng có thanh khoản tốt hơn. Vậy cụ thể tính thanh khoản là gì ? Những khía cạnh của thanh khoản thì ta cần chú ý những điều gì ? Nếu thanh khoản đi xuống, thanh khoản cao thì tác động như thế nào đến giá cổ phiếu
Với bài viết này, Quang Vinh sẽ bóc tách từng phần của thanh khoản để anh/chị có thể đánh giá đúng được những cổ phiếu mà nhà đầu tư cần mua.
THANH KHOẢN LÀ GÌ ?
Thanh khoản (Tiếng anh là Liquidity) là một khái niệm được dùng trong tài chính, chỉ mức độ mà một tài sản bất kỳ có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm ảnh hưởng đến giá thị trường của tài sản đó. Một tài sản có tính thanh khoản cao nếu nó có thể được bán nhanh chóng mà giá bán không giảm đáng kể, thường được đặc trưng bởi số lượng giao dịch lớn
Một tài sản có tính thanh khoản cao là loại tài sản có thể được mua bán dễ dàng, nhanh chóng, không mất chi phí giao dịch hoặc chi phí giao dịch thấp
Các tài sản có tính thanh khoản cao như: Trái phiếu,, chứng chỉ quỹ của các quỹ niêm yết trên thị trường như quỹ tương hỗ, các loại cổ phiếu, các hàng hóa đã niêm yết tập trung, các loại tiền tệ
Các loại tài sản không có thanh khoản/thanh khoản thấp là các loại tranh nghệ thuật cổ, đồ cổ, bộ sưu tập rượu, bất động sản xa xỉ, bộ sưu tập đồng xu.
Ý NGHĨA TÍNH THANH KHOẢN
Tính thanh khoản được đo bằng thời gian và chi phí để chuyển đổi 1 tài sản sang tiền mặt.
Ví dụ: Tiền mặt có tính thanh khoản cao, vì nó có thể được “bán” (để đổi lấy hàng hóa) với giá trị gần như không thay đổi. Chứng khoán hay các khoản nợ, khoản phải thu… cũng tương tự nếu chúng có khả năng đổi thành tiền mặt dễ dàng. Còn các tài sản khác như bất động sản, vàng… có tính thanh khoản thấp hơn vì để chuyển đổi các tài sản này thành tiền mặt phải mất một thời gian dài cho đến rất dài. Cách gọi thay thế cho tính thanh khoản là tính lỏng, tính lưu động.
TÍNH THANH KHOẢN – QUAN TRỌNG
Nếu thị trường không có tính thanh khoản, thì việc bán hoặc chuyển đổi tài sản hoặc chứng khoán thành tiền mặt sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ví dụ: Anh/chị có thể sở hữu một vật gia truyền rất hiếm và có giá trị được định giá ở mức 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu không có thị trường (tức là không có người mua) cho đối tượng đó, thì nó không liên quan vì sẽ không có ai trả ở bất kỳ đâu gần với giá trị được thẩm định của nó, suy ra nó rất kém thanh khoản. Để bán được món đồ cổ đó, bạn phải thuê một nhà đấu giá làm môi giới và theo dõi các bên quan tâm tiềm năng, điều này sẽ mất thời gian và phát sinh chi phí. Tuy nhiên, tài sản thanh khoản có thể dễ dàng và nhanh chóng được bán với giá trị đầy đủ của chúng và với chi phí thấp. Các công ty cũng phải nắm giữ đủ tài sản thanh khoản để trang trải các nghĩa vụ ngắn hạn của họ như hóa đơn hoặc bảng lương, nếu không sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản, có thể dẫn đến phá sản công ty.
CHỨNG KHOÁN CÓ TÍNH THANH KHOẢN
Tính thanh khoản chứng khoán là khả năng chuyển đổi từ tiền mặt thành chứng khoán và ngược lại. Chứng khoán có tính thanh khoản cao là chứng khoán dễ dàng mua đi, bán lại, giá cả ổn định theo thời gian., có khả năng cao để phục hồi vốn đã đầu tư ban đầu.
Tính thanh khoản của chứng khoán cho phép nhà đầu tư có thể chuyển đổi thành tiền mặt nhanh khi cần thiết. Điều này khiến thị trường chứng khoán càng trở nên hấp dẫn. Tính thanh khoản của chứng khoán càng cao chứng tỏ thị trường càng năng động và hiệu quả.
Tính thanh khoản của chứng khoán là khả năng chuyển đổi từ tiền mặt thành chứng khoán và ngược lại từ chứng khoán thành tiền mặt.
RỦI RO TRONG THANH KHOẢN CHỨNG KHOÁN
Nếu nhà đầu tư nắm trong tay những cổ phiếu nhưng không thể bán ra đây gọi là rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán.
Trong thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới tính thanh khoản chứng khoán mà còn cân nhắc khả năng bán lại chúng để thu hồi vốn. Khi khó tìm được người mua hoặc phải bán giá thấp hơn, tức là chứng khoán đó có khả năng hồi phục kém. Lúc này nhà đầu tư sẽ phải chịu tổn thất tài chính.
Thực tế, trường hợp nếu một nhà đầu tư nắm trong tay rất nhiều chứng khoán nhưng không thể bán ra được, chỉ biết chịu thua lỗ từng ngày thì đây chính là rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán.
Những sản phẩm đầu tư như: kim loại quý, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán… trên thị trường tài chính đều có mối liên hệ với nhau. Một khi thị trường biến động cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán, gây ra khả năng rủi ro thanh khoản. Do vậy nếu lựa chọn đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư phải xem xét kỹ đến khả năng bán lại của chứng khoán để bảo toàn nguồn vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư cũng cần tìm cách phân bổ nguồn vốn phù hợp, phòng ngừa khả năng không bán lại được hoặc khi bán bị mất giá.
YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍNH THANH KHOẢN CHỨNG KHOÁN
Yếu tố tác động đến tính thanh khoản thị trường chứng khoán
Tính thanh khoản ảnh hưởng tới “số mệnh” chứng khoán của một doanh nghiệp. Vậy nên có nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến tính thanh khoản chứng khoán như sau:
- Những con số tài chính: phản ánh tính hình hoạt động sản xuất, kinh doanh có ổn định và phát triển hay không. Doanh nghiệp lớn uy tín, làm ăn tốt sẽ có tính thanh khoản cao và ngược lại, tình hình kinh doanh không tốt, tính thanh khoản thấp.
- Tâm lý của các nhà đầu tư: Giao dịch trên thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý của nhà đầu tư, từ đó tính thanh khoản cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Việc mua bán trên thị trường phụ thuộc nhiều vào thời điểm và nhu cầu của nhà đầu tư. Khi thị trường đang khởi sắc đi lên thì nhà đầu tư cũng hứng thú chi tiền mua bán hơn, giao dịch sôi nổi thì tính thanh khoản đi lên. Khi thị trường đang giảm xuống, các nhà đầu tư sẽ có tâm lý hoang mang, lo sợ, dè dặt và cẩn trọng hơn, sàn giao dịch ảm đạm, tính thanh khoản theo đó cũng tụt dốc.
- Khối lượng giao dịch: là một yếu tố rất quan trọng tác động đến tính thanh khoản. Trên thực tế, đây là yếu tố phản ánh chính xác xu hướng gia tăng giá. Ngoài ra nó cũng góp phần phản ánh được mức độ hoạt động của thị trường.
- Quy định giao dịch: Với mỗi loại hình thức giao dịch có những quy định giao dịch khác nhau. Ví dụ như: giao dịch tiền điện tử, nhiều quốc gia đưa ra quy định về việc cấm giao dịch nó; bởi sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản.
- Các sàn giao dịch: Số lượng sàn giao dịch cao có nghĩa rằng hoạt động đầu tư trên thị trường cũng sẽ cao. Bên cạnh đó, sự gia tăng hiệu suất cũng như khối lượng giao dịch sẽ tăng lên; và điều này mang lại sự tăng cường thanh khoản cho thị trường và ngược lại.
MỘT SỐ KHUYẾN CÁO HẠN CHẾ RỦI RO
Các sản phẩm như: vàng, bất động sản hay bảo hiểm… trên thị trường đều có mối quan hệ liên thông với nhau. Khi thị trường biến động đều sẽ ảnh hưởng toàn diện tới thị trường chứng khoán, gây nên rủi ro thanh khoản.
Do đó khi lựa chọn chứng khoán để đầu tư, các nhà đầu tư nên xem xét đến khả năng bán lại để bảo toàn nguồn vốn đầu tư ban đầu. Để hạn chế rủi ro thanh khoản chứng khoán, các nhà đầu tư nên tìm cách phân bổ nguồn vốn phù hợp. Đây là cách để tránh rủi ro chứng khoán, phòng ngừa khả năng không bán lại được, hoặc bị mất giá khi bán.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư cá nhân thường chiếm tỷ trọng lớn và đa số muốn tìm cơ hội sinh lời cao trong ngắn hạn hơn là nắm giữ dài hạn những cổ phiếu hoạt động ổn định. Các nhà đầu tư thường tìm đến những cổ phiếu được dòng tiền ưu ái trong các ngành “hot” và có mật độ thông tin dày đặc như bất động sản, ngân hàng… hay các mã có “sóng” vì dễ thanh khoản và kiếm lời hơn. Thêm vào đó, lượng tiền ngắn hạn xoay vòng tạo nên tính thanh khoản thị trường thường tập trung chủ yếu tại sàn HOSE.
CÁCH ĐO LƯỜNG & XÁC ĐỊNH THANH KHOẢN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Cách đo lường & xác định thanh khoản của một cổ phiếu
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam để xác định thanh khoản của một cổ phiếu thì:
- Sàn HOSE: có tính thanh khoản cao hơn so với sàn Hà Nội (HNX và UPCOM). Và trong đó các mã chứng khoán ở sàn HNX lại có tính thanh khoản cao hơn sàn UPCOM.
- Thường thì sàn HOSE chiếm khoảng 80% tính thanh khoản của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam
- Trường hợp nhà đầu tư muốn kiểm tra tính thanh khoản của từng loại cổ phiếu riêng lẻ thì có thể truy cập vào các trang web về tài chính như CafeF, Vietstock hay web các công ty chứng khoán . Anh/chị chỉ cần xem Tính thanh khoản nằm ở cột KL (khối lượng); hoặc KLGD (khối lượng giao dịch). Và muốn xem cổ phiếu nào anh/chị chỉ cần nhập mã cổ phiếu (hoặc tên công ty) vào ô tìm kiếm ở góc nhé. Tuy nhiên không phải mã cổ phiếu nào cũng có thanh khoản cao, có nhiều mã cổ phiếu thanh khoản rất thấp, thậm chí có mã cổ phiếu thanh khoản của nó bằng 0.
Ví dụ: Nhà đầu tư muốn tìm hiểu tính thanh khoản của cổ phiếu VNM (Vinamilk) sẽ truy cập vào website: http://s.cafef.vn/hose/VNM-cong-ty-co-phan-sua-viet-nam.chn
Chỉ cần nhìn vào 1 trong 3 vị trí đã được khoanh đỏ, nhà đầu tư sẽ ước chừng được khả năng thanh khoản của cổ phiếu VNM. Tuy vậy, không phải mã cổ phiếu nào cũng có tính thanh khoản cao, hoặc thậm chí là không có tính thanh khoản, vì những lý do cụ thể sau:
- Doanh nghiệp nhỏ có ít cổ phiếu phát hành và giao dịch.
- Doanh nghiệp lớn nhưng cổ đông chủ chốt nắm số lượng cổ phiếu lớn. Nhiều doanh nghiệp có giá trị thực và giá trị giao dịch quá khác biệt, quá cao hoặc quá thấp nên các nhà đầu tư không lựa chọn mua bán cổ phiếu.
NHÀ ĐẦU TƯ CHÚ Ý ĐIỀU GÌ ĐẾN THANH KHOẢN KHI ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU
Trước khi xem xét, thanh khoản như thế nào là tốt đối với nhà đầu tư cá nhân thì anh/chị cần quan tâm 3 câu hỏi sau:
- Hiện tại anh/chị có bao nhiêu tiền ? – 100 triệu, 10 tỷ hay 1 tỷ
- Triết lý đầu tư của bạn là gì ? Phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản hay kết hợp ?
- Mong muốn, tính cách, mục tiêu tài chính của bạn ?
Nếu càng ít tiền thì anh/chị không cần yêu cầu cao về tính thanh khoản của cổ phiếu. Tiền nhiều hơn thì anh/chị có xu hướng mua những cổ phiếu có thanh khoản cao hơn. Anh/chị đầu tư lướt sóng hay phân tích kỹ thuật thì cần thanh khoản cao để có thể mua bán chớp nhoáng hay nhanh hơn so với phân tích cơ bản.
Nếu anh/chị đầu tư kiểu cần nhàn hạ, đầu tư hưởng cổ tức thì không cần khắt khe quá mức về thanh khoản. Ngoài việc, xem xét cổ phiếu có tính thanh khoản cao hay thấp để đáp ứng nhu cầu tài chính của anh/chị.
KẾT LUẬN
Tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán là một trong những tiêu chí rất quan trọng, giúp nhà đầu tư có thể lựa chọn được các loại cổ phiếu tốt để đầu tư. Dù cho bạn là người mới tham gia vào thị trường chứng khoán hay đã có kinh nghiệm về loại hình đầu tư sinh lời này, thì qua bài viết này, chắc chắn những anh/chị quan tâm đã hiểu được một phần nào về tính thanh khoản chứng khoán là gì cũng những yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản trong chứng khoán”. Hy vọng bài viết này của Vinh có thể mang lại thêm kiến thức hữu ích cho các anh/chị. Chúc anh/chị đầu tư thành công nhé.