Bước giá hay các khái niệm biên độ dao động, giá trần, giá sàn, giá tham chiếu trong chứng khoán là 5 thuật ngữ quan trọng mà anh/chị cần phải nắm rõ. Những khái niệm này nhằm điều hướng thị trường vận hành theo một trật tự nhất định, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư. Bài viết này của Vinh nhằm trình bày theo cách ngắn gọn & dẽ hiểu nhất gửi tới anh/chị và bạn đọc. Đồng thời, Vinh cũng sẽ làm rõ sự khác nhau của những khái niệm này thể hiện ở 3 sàn chính: HOSE, HNX & UPCOM.
BƯỚC GIÁ CHỨNG KHOÁN LÀ GÌ ?
Bước giá chứng khoán là mức giá tăng lên hay giảm đi theo biên độ cố định được quy định bởi các sàn niêm yết. Khi anh/chị muốn đặt lệnh mua hay bán cổ phiếu thì phải tuân theo quy định về bước giá này và biên độ cho phép của sàn giao dịch.
Bước giá chứng khoán tại Việt Nam có sự phân hoá khá sâu giữa HOSE với HNX và UPCOM. Bước giá càng nhỏ thì độ sâu của thị trường càng tốt giúp mức cạnh tranh mua – bán tốt hơn. Trong quy định về bước giá chứng khoán, HOSE đang có các tiêu chuẩn phù hợp nhất với thị trường.
Đối với sàn HOSE: Bước giá được quy định khá chi tiết và có tính ứng dụng cao trong việc vận hành thị trường. Có 3 trường hợp:
- Những cổ phiếu có giá nhỏ hơn 10,000 VND thì bước giá phải chia hết cho 10 VND.
Ví dụ: giá của 1 cổ phiếu X đang là 6,200 VND thì anh/chị phải mua bán theo giá cao hơn như 6,210; 6,230, 6,280… hoặc thấp hơn như 6,190; 6,150; 6,120… Tóm lại là giá đưa ra phải chia hết cho 10 VND.
- Những cổ phiếu có giá nằm trong khoảng 10,000 – 50,000 VND thì bước giá phải chia hết cho 50 VND.
Ví dụ: giá cổ phiếu Y là 35,000 thì giá tăng hoặc giảm tối thiểu phải là 35,050 hoặc 34,950 theo thứ tự.
- Những cổ phiếu có giá lớn hơn 50,000 VND thì bước giá phải chia hết cho 100 VND.
Đối với sàn HNX và UPCOM: chỉ 1 quy định duy nhất là bước giá phải chia hết cho 100 VND.
BIÊN ĐỘ DAO ĐỘNG TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN
Biên độ dao động (tiếng anh gọi là Amplitude of oscillation)
Giá trần và giá sàn của 1 phiên giao dịch bằng giá tham chiếu cộng trừ biên độ dao động. Anh/chị có thể tham khảo biên độ dao động của 3 sàn chứng khoán sau đây:
- Sàn HOSE quy định biên độ là 7% (thấp nhất so với 2 sàn còn lại) trong khi sàn HNX và UPCOM là 10% và 15% theo thứ tự. Biên độ dao động giá cho ngày giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu chuyển sàn sang HNX được áp dụng như đối với các cổ phiếu đang niêm yết tại HNX là 10%. Đây là khái niệm dùng để xác định giá trần & giá sàn trong chứng khoán mà anh/chị sẽ phải tìm hiểu trong phần tiếp theo.
Ví dụ: giá tham chiếu của cổ phiếu X trên sàn HOSE ngày hôm nay là 30,000 VND. Biên độ dao động 7% là 2,100 VND. Giá trần (+7%) sẽ là 32,100 VND còn giá sàn (-7%) là 27,900 VND.
Ở phiên giao dịch đầu tiên khi một cổ phiếu lên sàn, giá tham chiếu là giá tham chiếu lý thuyết. Giá này được công ty chứng khoán khuyến nghị dựa trên giá cổ phiếu của các công ty cùng ngành đã niêm yết trước đó và được Sở giao dịch đồng ý. Để tránh tình trạng giá tham chiếu lý thuyết này không xác đáng nên biên độ dao động cho lần niêm yết đầu này sẽ lớn hơn khá nhiều so với bình thường. Cụ thể, sàn HOSE là 20% trong khi sàn HNX là 30% và sàn UPCOM là 40%.
Biên độ dao động | HOSE | HNX | UPCOM |
Cổ phiếu trong ngày (Phiên bình thường) | 7% | 10% | 15% |
Cổ phiếu mới niêm yết trong ngày đầu tiên hoặc giao dịch trở lại sau khi bị tạm ngừng giao dịch trên 25 ngày (Phiên giao dịch đầu tiên) | 20% | 30% | 40% |
Cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức hoặc thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu (Phiên giao dịch đầu tiên) | 20% | 30% | 40% |
QUY TẮC LÀM TRÒN GIÁ TRỊ BIÊN ĐỘ DAO ĐỘNG
- Giá trị biên độ phải phù hợp với quy định bước giá chia hết.
- Giá trị biên độ làm tròn phải bé hơn giá trị biên độ lý thuyết khi nhân với % biên độ theo quy định của từng sàn.
- Có thể thấy giá trần là chỉ số quan trọng thể hiện trên sàn giao dịch chứng khoán, giúp các nhà đầu tư đưa ra các lệnh mua – bán chứng khoán phù hợp. Qua đó loại bỏ những rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư.
- Ví dụ: Cổ phiếu BVH trên sàn HOSE với giá tham chiếu là 79.80.Biên độ dao động của sàn HOSE là 7% tương đương với 5.586.
Theo lý thuyết thì giá trần là: 79.80*(1 + 7%) = 85.386 VND
Giá sàn là: 79.80*(1 – 7%) = 74.214 VND
Giá cổ phiếu BVH lớn hơn 50.000VNĐ nên bước giá mỗi lần nhảy phải chia hết cho 100. Giá trần và giá sàn cũng không ngoại lệ.
Hai giá trị 5.500 và 5.600 là 2 giá trị gần với 5.586 nhất và thỏa mãn chia hết cho 100. Một quy định nữa là giá trị biên độ dao động làm tròn không được lớn hơn giá trị ban đầu. Vậy chỉ có giá trị 5.500 là thích hợp nhất.
Lúc này, cổ phiếu BVH có giá trần là: 79.80 + 5.500 = 85.3 VND
Giá sàn là: 79.80 – 5.500 = 74.3 VND
GIÁ TRẦN CHỨNG KHOÁN LÀ GÌ ?
Giá trần sẽ được hiển thị màu tím trên bảng chứng khoán
Giá trần (tiếng Anh được gọi là Price ceiling) là mức giá cao nhất trong một phiên giao dịch mà cổ phiếu có thể tăng lên. Nhà đầu tư muốn đặt lệnh mua bán với giá cao nhất cũng chỉ bằng giá trần mà thôi.
Trên bảng giá chứng khoán tại các sở giao dịch, các mức giá được quy định bằng màu sắc giúp nhà đầu tư dễ dàng phân biệt. Đối với chứng khoán, theo quy định của HOSE và HNX, thì giá này sẽ được niêm yết bằng màu tím. Khi đặt ra mức trần giá, mục tiêu của chính phủ là kiểm soát giá để bảo vệ người tiêu dùng. Tùy theo từng thị trường mà mức giá trần sẽ có ý nghĩa khác nhau.
Ta có công thức tính giá trần như sau: Giá trần = Giá tham chiếu + Biên độ dao động.
Ví dụ: Cổ phiếu BVH trên sàn HOSE có giá tham chiếu 79,0 (79.000 đồng / cổ phiếu). Biên độ giao dịch trên sàn HOSE là 7%. Áp dụng công thức, anh/chị tính được giá trần là: 79,0 * (1 + 7%) = 84,53 (84,530 đồng / cổ phiếu). Nhà đầu tư có thể giao dịch lớn hơn mức giá 84,530 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, tại một số công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể đọc giá trần bằng cách nhìn vào ký hiệu. Theo đó, giá trần được thêm ký hiệu CE (celling), giá sàn sẽ thêm ký hiệu FL (sàn) bên cạnh. Đặc biệt trong chứng khoán, giá trần được áp dụng quy tắc làm tròn để giải quyết vấn đề khi giá tham chiếu nhân với biên độ dao động sẽ ra số lẻ. Với quy định thế này sẽ giúp nhà đầu tư dễ phân biệt cũng như tìm hiểu sâu hơn về chứng khoán đó.
GIÁ SÀN CHỨNG KHOÁN LÀ GÌ ?
Giá sàn sẽ được hiển thị màu xanh lam trên bảng chứng khoán
Giá sàn chứng khoán là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua bán chứng khoán trong ngày giao dịch
Ta có công thức tính giá sàn như sau: Giá sàn = Giá tham chiếu – Biên độ dao động.
GIÁ THAM CHIẾU LÀ GÌ ?
Giá tham chiếu sẽ được hiển thị màu vàng trên bảng chứng khoán
Giá tham chiếu của cổ phiếu được xác định là giá đóng cửa (giá thực hiện của lần khớp lệnh cuối cùng) của ngày giao dịch trước đó. Còn giá tham chiếu của cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM là trung bình cộng của các mức giá giao dịch lô chẵn theo phương thức khớp lệnh trong ngày gần nhất trước đó. Mỗi sàn giao dịch sẽ có cách tính giá tham chiếu khác nhau. Cụ thể:
- Sàn giao dịch HOSE (Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM): Giá tham chiếu của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang giao dịch là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt).
- Sàn HNX: Giá tham chiếu được xác định bằng giá đóng cửa của ngày giao dịch liền kề trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt).
- Sàn UPCOM: Giá tham chiếu là bình quân gia quyền của các giá giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh liên tục của ngày giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt).
KẾT LUẬN
Hy vọng với các thông tin trên mà Vinh đã chia sẻ, anh/chị có thể nắm rõ về Biên độ dao động, bước giá, giá trần, giá sàn & giá tham chiếu trên các sàn giao dịch. Đặc biệt là quy tắc làm tròn giá trần giá sàn và biên độ dao động. Chúc các anh/chị đầu tư thành công!