Rủi ro khi đầu tư chứng khoán là điều mà bất kỳ nhà đầu tư nào khi tham gia vào thị trường chứng khoán cũng cần phải biết. Đầu tư chứng khoán có thể mang đến mức lợi nhuận rất cao, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những rủi ro và một số khó khăn nhất định. Hãy để Quang Vinh bật mí cho anh/chị trong bài viết sau:
RỦI RO KHI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
Một trong những điểm cần phải nắm khi tham gia vào thị trường chứng khoán là rủi ro và lợi nhuận. Kết quả thu được từ các mã cổ phiếu sau các lần mua/bán gọi là “lợi nhuận”. Và mức độ của việc mua/bán “ không biết liệu có thu được kết quả như mong đợi hay không” được gọi là “rủi ro”.
Trong trường hợp cổ phiếu, có thể nhận được cổ tức từ các công ty bằng cách mua/bán cổ phiếu. Tuy nhiên, mức cổ tức không cố định ngay từ đầu. Đôi khi nó nhiều hơn và đôi khi nó ít hơn mong đợi.
Khi hoạt động kinh doanh của công ty phát triển, lượng cổ tức tăng lên và giá cổ phiếu thường cũng sẽ tăng. Cổ đông có thể kiếm được khoản chênh lệch bằng cách bán cổ phiếu sau khi giá đã tăng. Ngược lại, nếu một doanh nghiệp thất bại và rơi vào cảnh thua lỗ, bạn sẽ không những không nhận được cổ tức mà giá cổ phiếu sẽ thấp hơn lúc bạn mua, và bạn có thể mất tiền vì điều đó.
Liệu hoạt động kinh doanh của công ty có thành công, tạo ra lợi nhuận đều đặn và nhận được cổ tức không ? Giá cổ phiếu sẽ tăng …?. Mua cổ phiếu có nghĩa là đầu tư tiền vào một thứ không được hứa hẹn rằng “bạn sẽ nhận được bao nhiêu”. Do chịu tác động của nhiều yếu tố như trên, đầu tư chứng khoán luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro đó có thể phân loại như sau:
Rủi ro kinh tế, xã hội
Dưới góc độ vĩ mô, tình hình kinh tế xã hội nói chung ảnh hưởng tới mọi mặt trong đời sống và chứng khoán cũng như cổ phiếu không nằm ngoài số đó. Đặc biệt, khi một loại sản phẩm của thị trường tài chính, biến động của cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào việc phát triển kinh tế, chính sách của Nhà nước. Việc ổn định được nền kinh tế mới giúp lượng cung tiền vào cổ phiếu được gia tăng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng về mặt giá trị. Ở chiều hướng xấu: nếu nền kinh tế chúng ta trờ nên sa sút, tình hình xã hội bất ổn sẽ làm giảm triển vọng vào các cổ phiếu trên thị trường, cung tiền giảm, giá trị cổ phiếu cũng theo đó mà xuống dốc.
Rủi ro ngành
Rủi ro ngành là rủi ro đặc trưng của từng ngành, gây ra những tác động xấu đến thị trường . Rủi ro ngành được xem là rủi ro chịu nhiều ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài tác động đến ngành
Mỗi cổ phiếu sẽ đại diện cho một doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp sẽ thuộc một ngành nghề kinh doanh khác nhau. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có điểm mạnh và yếu, rủi ro ngành nghề luôn hiện hữu theo chu kỳ nền kinh tế thị trường.
Trong một diễn biến tốt đẹp, các ngành được hưởng lợi từ chính sách kinh tế, nhu cầu của khách hàng sẽ tạo nên nền tảng tốt cho những cổ phiếu trong ngành. Nhưng theo chiều ngược lại, cổ phiếu có thể diễn biến xấu khi những thông tin bất lợi của ngành liên tiếp xảy ra hàng loạt.
Theo báo cáo chiến lược tài chính từ Mirae Asset Securities đến tháng 4/2021 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã tác động mạnh tới VN-INDEX của một số nhóm ngành, cụ thể nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm như Vinamilk – VNM (-5%), SAB (-7%), SBT (-11%), GTN (-18%), BHN (-6%); nhóm ngành vận tải như HVN (-11%), VJC (-4%), CII (-21%), LGC (-6%); GAS (-7%) và POW (-7%) trong ngành tiện ích; PLX (-9%) và PVD (- 15%) trong ngành năng lượng; BVH (-4%) trong ngành bảo hiểm đã kìm hãm đà tăng của thị trường.
Nếu nhà đầu tư không có cái nhìn tổng quát và phân tích kỹ ngành nào đang có nguy cơ đổ vỡ do nhiều yếu tố bên ngoài cũng như bên trong tác động thì khả năng thua lỗ là rất lớn.
Rủi ro hoạt động doanh nghiệp
Là những rủi ro xuất phát từ chính hoạt động nội tại của doanh nghiệp đó như: tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh hay vấn đề nhân lực,…. Các nhà đầu tư có thể tham khảo đọc hiểu báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Đặc biệt, xếp hạng hoạt động của doanh nghiệp biến động sẽ ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó, giúp nhà đầu tư nhận thức được khả năng tài chính, thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư.
Mỗi doanh nghiệp tương ứng với mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp đó và thường có xu hướng đi theo đà phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đều đặn, tình hình vay nợ, sử dụng vốn ổn định sẽ là tiền đề cho tăng trưởng của cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ cổ tức được chia từ lợi nhuận giữ lại hàng năm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ xấu với ngân hàng, sử dụng vốn thiếu hiệu quả sẽ làm giảm sức hút của cổ phiếu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ khó nhận được những ưu đãi như cổ tức đều đặn mỗi năm.
- Rủi ro lỗi thời: xảy ra ở nhiều ngành sản xuất khi các sản phẩm rơi vào tình trạng lỗi thời, không có giá trị đổi mới, không tăng trưởng lợi nhuận qua nhiều năm khiến doanh nghiệp trở nên hoạt động trì trệ, giá cổ phiếu giảm sút. Ví dụ: Saigon Coop là một trong những siêu thị bán lẻ lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây phát triển khá chậm so với những đối thủ như Vincom(VRE), Aeon Mall,… đang tăng trưởng mạnh mẽ. Saigon Coop là một ví dụ cho rủi ro lỗi thời.
- Rủi ro truyền thông: xảy ra khi doanh nghiệp phát hành chứng khoán nhưng phải đối mặt với sự kiện xấu, truyền thông xấu hay những scandal từ nhiều phía hoặc truyền thông sai sự thật gây ảnh hưởng xấu tới thương hiệu cũng như khiến giá cổ phiếu của công ty giảm nhanh. Vì là những rủi ro đặc trưng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của riêng công ty nên không phải tất cả nhà đầu tư chứng khoán đều cùng nhau chịu rủi ro doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần xem xét và phân tích kỹ các hoạt động của doanh nghiệp từ đó đưa ra các chiến lược đầu tư thông minh.
Rủi ro thị trường
Còn được gọi là rủi ro hệ thống. Nó liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế hay phân khúc thị trường chứng khoán. Rủi ro này ảnh hưởng đến tất cả các công ty về tình trạng tài chính hoặc quản lý của công ty. Tùy thuộc vào phạm vi đầu tư, nó có thể liên quan đến yếu tố quốc tế cũng như là các yếu tố nội địa. Ví dụ, rủi ro hệ thống bao gồm: rủi ro lãi suất, rủi ro lạm phát, rủi ro tiền tệ và rủi ro chính trị xã hội.
Rủi ro thị trường có thể được giảm nhẹ bằng chiến lược gọi là phân bổ tài sản. Điều này liên quan đến việc tạo ra một danh mục đầu tư gồm: tài sản không tương quan. Trong một danh mục đầu tư gồm những tài sản có sự tương quan, khi có sự kiện hệ thống xảy ra, tất cả chứng khoán sẽ cùng lúc tăng hoặc giảm giá. Khi một danh mục đầu tư được phân bổ trên những tài sản không tương quan, một sự kiện hệ thống có thể làm một số tài sản mất giá, trong khi những tài sản khác có thể không bị ảnh hưởng, hoặc thậm chí còn tăng giá. Phân bổ tài sản giúp giảm rủi ro và dàn trải trên toàn danh mục của bạn.
Rủi ro thị trường là các sự kiện chính trị bất ngờ, suy thoái kinh tế thế giới, biến động lãi suất, tỷ giá, rủi ro hàng hóa, lạm phát,… đều đại diện cho các nguồn rủi ro thị trường, hay nói cách khác là những rủi ro bên ngoài tác động đến tình hình doanh nghiệp
-
Rủi ro hàng hóa:
Nhà đầu tư khi tham gia đầu tư chứng khoán tức là đầu tư vào các công ty cổ phần phát hành chứng khoán, cụ thể chính là đầu tư vào hàng hóa và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó. Giá hàng hóa tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu, đặc biệt là một số loại hàng hóa liên quan đến chính sách nhà nước như: xăng, dầu, giá điện, gas,… Ví dụ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân đi lại ít, trong Quý 2 và 3/2020 cho thấy mức giá cổ phiếu của ngành dầu khí biến động liên tục do việc giá dầu ở mức thấp (giảm 22%) có tác động trực tiếp đến ngành, làm giảm giá bán cũng như các nhu cầu dịch vụ dầu khí.
- Rủi ro thanh khoản: Tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi ra tiền mặt của cổ phiếu và ngược lại. Nếu tính thanh khoản kém, khó tìm được người mua hoặc phải bán giá thấp hơn, tức là cổ phiếu đó có khả năng hồi phục kém. Cụ thể: cổ phiếu AIC của ngành bảo hiểm hàng không được đánh giá là một trong những mã cổ phiếu có mức thanh khoản kém trên sàn UPCOM. Biên độ dao động của cổ phiếu này luôn có xu hướng giảm dần, qua từng giai đoạn, giá của cổ phiếu chỉ giao dịch được ở mức thấp và có thể xảy ra trường hợp không có người mua. Một ví dụ nữa về rủi ro thanh khoản có thể kể đến là công ty cổ phần FPT (FPT) được giao dịch trên sàn VN30 có tính thanh khoản cao nhưng mức giá được đánh giá là cao hơn so với mức giá trung bình trên thị trường, từ đó dẫn đến các giao dịch ít người mua.
- Rủi ro lãi suất: Giá cổ phiếu luôn biến động tỷ lệ nghịch với lãi suất thị trường, lãi suất thị trường tăng làm cho giá trị thị trường của chứng khoán bị sụt giảm và ngược lại. Ví dụ, khi ngân sách thâm hụt thì Chính phủ phát hành thêm trái phiếu với lãi suất cao để bù đắp, làm tăng mức cung trên thị trường. Từ đó xảy ra 2 hệ quả:
- Khi lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng, thị trường chứng khoán trở nên kém sôi động hơn, giao dịch mua/bán diễn ra với mức độ thấp
- Khi lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm, thị trường chứng khoán trở nên sôi động, tính thanh khoản các mã cổ phiếu đạt mức tăng trưởng cao
Tuy nhiên, nhìn chung khi phát hành trái phiếu, Chính phủ thường có xu hướng tăng lãi suất để gọi vốn, thu hút nhà đầu tư. Do đó, rủi ro lãi suất trong trường hợp này đã tác động đến thị trường cổ phiếu.
- Rủi ro lạm phát: Lạm phát sẽ khiến giá trị của đồng tiền thay đổi. Lạm phát tăng cao báo hiệu nền kinh tế tăng trưởng không bền vững, gây dao động tới lợi nhuận của nhà đầu tư trong tương lai.
Rủi ro từ nhà đầu tư
Rủi ro đầu tư theo cảm xúc cá nhân mà không tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp
- Rủi ro chuyên môn: là loại rủi ro đề cập để việc nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường đầu tư cổ phiếu với kiến thức chưa được trang bị kỹ càng, đặc biệt là kỹ năng quản lý tài chính cá nhân còn hạn hẹp.Ví dụ rủi ro này là nhà đầu tư chưa biết sắp xếp khả năng tài chính của mình, đầu tư hết nguồn quỹ của bản thân vào cổ phiếu nhằm sinh lời cao, nhưng không dự trữ cho nguồn chi phí xảy ra bất ngờ như bị bệnh, ốm, cần trả nợ,…
- Rủi ro cảm tính: là rủi ro mà nhà đầu tư thường xuyên đầu tư cổ phiếu theo cảm xúc của mình do biến động nhẹ thị trường cổ phiếu mà không suy xét kỹ doanh nghiệp. Ví dụ: thị trường cổ phiếu luôn có biến động không lường trước, nhà đầu tư dễ mắc phải việc sử dụng hình thức vay vốn để mua cổ phiếu như Call Margin, Ký quỹ,.. khi thấy giá cổ phiếu tăng/giảm đột ngột trong thời gian ngắn.
HẠN CHẾ RỦI RO KHI ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU
Khi nắm được các rủi ro, nhà đầu tư có thể rút ra bài học cho bản thân để tránh các tác động đó trong việc tham gia hoạt động mua bán cổ phiếu. Điều cần làm là trang bị nền tảng kiến thức vững vàng, có cái nhìn đa chiều trong mọi tình huống. Nhà đầu tư luôn phải tuân thủ kỷ luật trong việc đầu tư, theo dõi thật kỹ diễn biến thị trường, chọn lựa các nguồn thông tin chính xác để đưa ra quyết định.
Nhà đầu tư nên chọn cho mình các công ty chứng khoán uy tín để được cung cấp những dịch vụ tốt nhất. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên bắt đầu đầu tư với số tiền nhỏ để thử sức với thị trường, xem bản thân mình có phù hợp với lĩnh vực này hay không ?
Trong tình huống diễn biến thị trường xấu, nhà đầu tư có thể rút vốn trên thị trường chứng khoán để đưa vào các nơi an toàn hơn như gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất định kỳ, tham gia bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư tài chính để vừa nhận bảo hiểm mà cũng đem lại khả năng sinh lời vốn).
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Nhiều lời khuyên cho các nhà đầu tư chứng khoán là không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”
Nhà đầu tư có thể lựa chọn nhiều cổ phiếu của các công ty ở các ngành khác nhau để giảm rủi ro phi hệ thống đối với từng ngành. Đây chính là đa dạng hóa danh mục, là một chiến lược phân bổ tài sản đầu tư vào nhiều nhóm ngành, ví dụ như: vàng, bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu,…
Bằng chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhà đầu tư có thể phân bổ tài sản của mình để đầu tư mạo hiểm vào nhiều nhóm ngành. Ngược lại, nếu với mức thu nhập và chi tiêu như trên nhưng có người phụ thuộc, các nhà đầu tư có thể chọn chiến lược đầu tư an toàn.
Ví dụ cụ thể: Nhà đầu tư A tham gia mua cổ phiếu của các ngành: bất động sản, bán lẻ, dầu khí. Nếu giá dầu khí giảm, nhà đầu tư vẫn có thể bù rủi ro từ 2 khoản đầu tư vào bất động sản và bán lẻ.
Tập trung đầu tư dài hạn
Đây là phương pháp đầu tư dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không phải nhà đầu tư mang tính đầu cơ. Nhà đầu tư chứng khoán cần tích lũy cho bản thân mình kiến thức, sự kiên nhẫn và dám mạo hiểm, tránh để cảm xúc chi phối để theo dõi các mục tiêu dài hạn.
Bên cạnh đó, để có thể đầu tư dài hạn thành công yêu cầu nhà đầu tư cũng có một “tinh thần thép” vì có thể bạn sẽ phải trải qua những thời điểm thị trường lên xuống bất thường.
Vì vậy, nhà đầu tư cần vững lòng khi quyết định chọn đầu tư trong dài hạn.
Lựa chọn công ty chứng khoán chuyên nghiệp
Nếu là một nhà đầu tư mới, bạn chưa quen những hoạt động của chứng khoán trên thị trường. Hãy lựa chọn cho mình một công ty môi giới chuyên nghiệp để nắm bắt được tình hình thị trường cũng như những lời khuyên có ích và hạn chế được một số rủi ro khi đầu tư chứng khoán mà bạn có thể không ngờ đến. Tránh những môi giới không chuyên, gây ra nhiễu loạn thông tin từ môi giới.
Trên đây là các rủi ro khi đầu tư chứng khoán mà nhà đầu tư có thể gặp phải. Để chiến thắng trên thị trường, nhà đầu tư chứng khoán phải tích lũy cho mình rất nhiều kiến thức để giảm thiểu tối đa rủi ro.
Thị trường cổ phiếu luôn có những thay đổi bất ngờ không đoán trước. Nhằm mục đích giảm thiểu được những quyết định sai lầm trong việc đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư có thể chọn cho mình lời khuyên từ những công ty chứng khoán chuyên nghiệp thay vì tự bản thân quyết định. Một số công ty chứng khoán chuyên nghiệp mà các nhà đầu tư cần quan tâm như: VPS, SSI, HSC, …
Thường xuyên cập nhật thị trường
Theo dõi và cập nhật thị trường chứng khoán hàng ngày
Luôn theo dõi thông tin, biến động thị trường chứng khoán cũng như biến động kinh tế để tránh những rủi ro hệ thống (lãi suất, giá hàng hóa,….) và cả phi hệ thống đối với từng ngành. Thị trường tài chính và các công ty luôn thay đổi hàng ngày, hàng tuần, vì vậy việc tìm hiểu kỹ các khoản đầu tư thôi là chưa đủ mà thay vào đó, nhà đầu tư cần theo dõi những biến động về hoạt động kinh doanh nội tại công ty, những chính sách mới của chính phủ, những biến động của thị trường nói chung và ngành nói riêng,…
Nhà đầu tư có thể tham khảo một số kênh cập nhật thị trường hàng ngày: Cafef, CafeBiz, vneconomy, VTV24 Money,…
Bổ sung kiến thức đầu tư
Bổ sung kiến thức đầu tư được hiểu là nhà đầu tư trang bị thêm cho mình những kiến thức về thị trường hay những kiến thức liên quan đến hoạt động doanh nghiệp:
- Kiến thức thị trường: Chính sách tài khóa, lạm phát, vốn hóa thị trường, bán khống,…
- Kiến thức doanh nghiệp: Ngành, mô hình kinh doanh, sản phẩm, báo cáo tài chính,….
Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần trang bị cho mình kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hay phân bổ tài sản đầu tư nhằm tối đa hóa khả năng sử dụng nguồn tiền của mình vừa dành cho đầu tư sinh lời cao, vừa có những khoản tiết kiệm cho các trường hợp khẩn cấp.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, đầu tư cổ phiếu là hình thức đầu tư mạo hiểm với nhiều loại rủi ro tác động trực tiếp đến toàn thị trường nói chung, đến các ngành và doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, trong số các kênh đầu tư hiện nay, đầu tư cổ phiếu là kênh đầu tư có tỷ lệ sinh lợi nhuận cao và hấp dẫn nhất. Nhằm giảm thiểu rủi ro và thua lỗ trong đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư phải tích lũy cho mình nhiều kiến thức cũng như chiến lược đầu tư thông minh .